Hiểu đúng để được đảm bảo quyền lợi
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 20 năm qua, bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng. Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ tính riêng quí I /2017 tổng số tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả đạt 3.222 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng số tiền bảo hiểm gốc được chi trả là 2.225 tỷ đồng, tăng 18,9%, tổng số giá trị hoàn lại là 558 tỷ đồng, tăng 16.2%.
Những con số thống kê này là minh chứng cho cam kết đồng hành lâu dài và bền vững của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Thực tế, việc chi trả quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tuân thủ theo một quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm chuyên nghiệp và đã được các cơ quan quản lý thông qua. Theo đó, theo quy định, qui trình thông thường gồm ba bước cơ bản: tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm từ người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thẩm định hồ sơ và thông báo kết quả hồ sơ yêu cầu.
Theo các chuyên gia về bảo hiểm, quy trình thẩm định hồ sơ bảo hiểm rất kỹ càng và qua nhiều bước nhằm không gây ra thiệt hại cho bên khách hàng cũng như bên công ty bảo hiểm nhân thọ. Bởi vậy, để không bị mất nhiều thời gian, trước khi yêu cầu giải quyết về quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, người tham gia bảo hiểm nên chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ cần thiết như đã quy định trong các tài liệu của hợp đồng bảo hiểm.
Đối với những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bảo vệ sức khỏe có quyền lợi trợ cấp y tế bổ sung, trợ cấp nằm viện, hỗ trợ chi phí phẫu thuật thì cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Giấy ra viện, giấy xác nhận thời gian điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt, tóm tắt bệnh án, giấy chứng nhận phẫu thuật, kết quả giải phẫu, … Đối với sản phẩm bảo hiểm có quyền lợi tai nạn cá nhân cần chuẩn bị biên bản tai nạn, Giấy chứng nhận thương tích hoặc kết quả chứng nhận y khoa, Giấy ra viện hoặc các chứng từ y tế khác. Đối với quyền lợi bảo hiểm tử vong do bệnh hoặc tai nạn thì cần chuẩn bị giấy chứng tử, giấy ra viện và các chứng từ y tế khác, biên bản tai nạn trong trường hợp tử vong do tai nạn và hợp đồng bảo hiểm bản chính.
Những trường hợp nào không được bồi thường?
Chị Lê Hải Anh (38 tuổi) tại Thái Thụy, Thái Bình tham gia bảo hiểm nhân thọ từ năm 2013, chị chia sẻ: “Nhận thấy được những giá trị hữu ích mà bảo hiểm nhân thọ mang lại, sau khi cân nhắc, vợ chồng tôi dự định sẽ tham gia sản phẩm bảo hiểm an sinh giáo dục cho con gái và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình”. Tuy nhiên, điều khiến chị vẫn còn băn khoăn chưa quyết định tham gia là những trường hợp không được doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả quyền lợi gần đây mà chị biết.
Những băn khoăn của gia đình chị Hải Anh cũng chính là nỗi băn khoăn của rất nhiều người đã tham gia bảo hiểm nhân thọ, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân không nắm kỹ điều kiện bồi thường/chi trả quyền lợi bảo hiểm đã được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đưa ra lời khuyên cho người tham gia bảo hiểm nhân thọ: “Người tham gia bảo hiểm/Người được bảo hiểm cần kê khai đầy đủ, trung thực các thông tin như yêu cầu trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ. Nguyên tắc “Trung thực tuyệt đối” là một trong những nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm, và cũng được quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm. Nếu vi phạm, DNBH có quyền xem xét hiệu lực của HĐBH, từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm. Ngoài ra, Người tham gia bảo hiểm cũng cần nghiên cứu các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, của hợp đồng bảo hiểm để biết và thực hiện đúng những quy định, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng bảo hiểm. Có điểm nào chưa rõ, khách hàng nên yêu cầu tư vấn viên của công ty bảo hiểm tư vấn cho rõ,hoặc tìm hiểu trên website hay gọi điện thoại đến tổng đài tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm. Xét cho cùng, hợp đồng bảo hiểm cũng là một loại “tài sản” có giá trị lớn của mình, tại sao mình lại không nghiên cứu kỹ để tránh những rắc rối, thậm chí mất quyền lợi do những lỗi từ phía mình?”.
Có một số trường hợp đặc biệt sẽ bị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm, những trường hợp này cũng đã được quy định rõ trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm như: thiếu các giấy tờ cần thiết trong bộ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hoặc do các giấy tờ này bị sai sót do khai không đúng hoặc không khớp với thông tin người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ, trong trường hợp người tham gia yêu cầu chi trả quyền lợi “hỗ trợ chi phí phẫu thuật” nhưng không có giấy xác nhận phẫu thuật của bệnh viện hay bệnh án thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có căn cứ để chi trả cho những trường hợp này.
Bên cạnh đó, các trường hợp: người tham gia bảo hiểm tự tử trong thời gian 2 năm kể từ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có tình trạng cố ý gây thương tật cho bản thân để được hưởng bảo hiểm hoặc người tham gia bảo hiểm bị phạm tội và buộc tử hình bởi pháp luật nhà nước Việt Nam và các trường hợp bệnh nhân tử vong do căn bệnh thế kỷ như HIV hoặc AIDS… cũng sẽ không được chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Bảo hiểm nhân thọ là giải pháp tài chính hữu ích đã được người dân tại các nước phát triển trên thế giới như Nhật, Mỹ, Singapore… lựa chọn và đang dần chiếm được thiện cảm của người dân. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm – dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các chuyên gia nhấn mạnh, để đảm bảo quyền lợi của bản thân và phát huy tối đa giá trị mà bảo hiểm nhân thọ mang lại, người dân cũng nên chủ động nâng cao nhận thức của mình về quyền, nghĩa vụ được thể hiện trong hợp đồng bảo hiểm.