LÀM GÌ SAU TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC?
Tháng 9/1999 tôi tốt nghiệp trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Dự định sẽ làm việc tại Hà Nội, vì thế tôi đã quyết định chọn Hà Nội là nơi thực tập và làm luận văn tốt nghiệp. Trong thời gian thực tập tôi muốn làm quen với môi trường, tìm kiếm một công việc phù hợp với mình ở Thủ Đô, cũng là để được ở gần chị gái và gia đình bên ngoại.
Trong 6 tháng đi thực tập, nhìn các anh chị làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau từ cơ quan chị gái, cậu,…và nơi tôi thực tập, tôi quan sát, tìm hiểu kỹ càng và bắt đầu đặt cho chính mình những câu hỏi như: tôi sẽ làm gì, ngồi vị trí nào khi đi làm?
Một loạt câu hỏi đặt ra cũng là một loạt câu tôi tự tìm cách trả lời cho mình. Những câu hỏi này đáng ra phải được hỏi từ trước khi đi thi đại học chứ nhỉ. Nếu nó được đặt ra trong tôi và trả lời trước khi tôi bước vào đại học thì hay biết mấy, có lẽ nó đã giúp tôi rút ngắn thời gian cho việc chọn nghề, hoặc cho tôi thực tập và làm ngay khi tôi vào Đại Học.
Tôi nhận ra có quá nhiều thứ, quá nhiều công việc không phù hợp với tôi, ngồi bàn giấy cả ngày để làm công việc gì đó sẽ rất nhàm chán, nghiên cứu và tạo ra phần mềm như bạn của chị tôi, ôi không, tôi sợ công việc đó. Ngồi đó làm việc với những con số, kế toán hay tạo nên những sản phẩm trí tuệ như phần mềm đều là những công việc mà tôi không thể làm. Hay như công việc của cậu tôi lúc nào cũng nghiên cứu và nhân giống các loài cây, tôi không thể làm….Thiết kế, mỹ thuật những thứ liên quan đến nó tôi càng không có năng khiếu….
Vậy công việc nào phù hợp với tôi khi có quá nhiều công việc không phù hợp, tôi bắt đầu tự trả lời, rồi loại trừ, mình không thích ngồi một chổ, mình không phù hợp như một nhà nghiên cứu,…..Công việc này cũng không hợp, công việc kia cũng không hợp, vậy lại một lần nữa tôi lại hỏi, vậy mình làm gì đây?.
Làm gì để thực hiện được ước mơ nhỏ bé ngay tức thời của mình, làm gì để thực hiện ước mơ lớn hơn của mình. Khi ước mơ nhỏ bé của mình bây giờ là có một chiếc hon đa đi làm để không phải phụ thuộc vào chị gái. Ước mơ lớn hơn của tôi là người có đủ tiền để mua cho mình một căn nhà mơ ước, một chiếc ô tô thật đẹp, một khoản tiền để mình có thể cho ai, giúp đỡ ai mình muốn, mình có đủ tiền khi có gia đình và sinh con, Tôi muốn khi có con, tôi sẽ cho con tôi học ở ngôi trường tốt nhất thế giới.
Tôi đã nhìn và nghĩ mình không thích cách nhận lương như nhau cho một công việc hay một vị trí giống nhau, tôi thích cách trả lương theo khả năng làm việc. Tôi muốn mình được trả lương theo khả năng của tôi, sự cống hiến của tôi cho công Ty. Tôi không muốn nhận lương nếu tôi không làm được gì, cũng không muốn nhận ít, ngang người khác nếu tôi làm được nhiều hơn họ. . .
Lúc này tôi đã thực sự vô cùng nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại năng khiếu, nhìn nhận lại tất cả điểm mạnh, điểm yếu của mình, tôi cũng nhìn nhận rõ ràng tôi làm được gì?. . . Bao nhiêu thứ lần lượt hiện ra trong mắt của tôi, trong suy nghĩ của tôi. Tôi tìm tôi bằng những cảm nhận từ nhỏ đến giờ, và rồi mọi thứ bắt đầu hiện ra trong tôi.
DUYÊN BÁN HÀNG TỪ 9 TUỔI
Tôi còn nhớ rất rõ khi 9 tuổi, tôi bước vào lớp 3, tôi đã là một cô bé vô cùng siêng năng, thích làm việc. Tôi giúp ba mẹ tất cả việc nhà bằng niềm vui và sự hạnh phúc. Bữa cơm đầu tiên tôi nấu cho cả nhà ăn lúc 8 tuổi đã được khen thật nhiều. Hạnh phúc và niềm vui đầu tiên là tôi đã cố gắng nấu ăn thật ngon để trở thành cô bé nấu ăn ngon nhất nhà. Không những nấu ăn ngon mà nếu ai đó đến nhà tôi sẽ thấy một căn nhà cấp 4 rất cũ kỹ nhưng bên trong nó vô cùng sạch sẽ, gọn gàng,…cho dù yếu tố bụi bẩn ngoài đường như thế nào thì trong nhà cũng sạch bong. Vì thời đó đường còn đất đỏ, chỉ cần một chiếc xe đi ngang qua, hay một cơn gió nhẹ có thể khiến con đường chìm trong bụi, nhưng tôi lau dọn 2 lần mỗi ngày. Đó cũng là những dấu ấn tôi bắt đầu trở thành cô con gái được ba mẹ và mọi người yêu thương, bởi sự siêng năng và sạch sẽ.
Được ba mẹ yêu thương không có nghĩa là tôi được ba mẹ cho tiền để mua một cây kem, khi chiếc xe leng keng của chú bán kem rao lên. Như bao đứa trẻ con khác, có nhiều lần tôi ước gì mẹ mua cho tôi một cây kem! Có hôm nhìn các bạn đi học có tiền ba mẹ cho mua chè, vậy mà tôi chỉ đứng thèm, tôi thèm một ly chè, Làm sao có thể xin ba mẹ tiền để mua chè ăn?
Ba mẹ tôi rất nghèo và quá vất vả. Bốn đứa con sinh liền nhau làm mẹ tôi đôi lúc còn không dám ăn mà nhường lại cho con. Mẹ tôi chỉ nặng có 45 kg khi cao 1,62 m. Từ người con gái Hà Thành đã thành một phụ nữ gầy gò không có sức sống. Ba thì ngoài đi làm về còn bao nhiêu việc vườn tược, heo gà, khoai, mì,. . . Tôi ý thức được rằng ba mẹ không thể cho tôi tiền để mua những thứ xa xỉ đó.
Tôi nhớ rất rõ, có một lần tôi thèm cơm trắng, nhưng mà ngày hôm nay cơm nấu phải độn kê, vì sợ ăn kê, sợ cơm độn mà tôi đã quyết định không nghe lời ba, không bỏ kê vào nấu, chỉ nấu gạo không. Khi ba về thấy cơm trắng, ba đã la rất dữ dội và cho tôi một trận đòn, trận đòn đó làm tôi phải nhớ suốt đời nếu trong lúc khó khăn đói khổ mình không biết phân bổ ngày mai mình sẽ đói. Tôi hiểu được lý do mà ba đánh tôi, vì nếu tôi làm vậy sẽ có những bữa mà nhà tôi không có gạo ăn.
Cũng như nhiều gia đình thời đó, nhà tôi có một vườn trái cây. Từ bé tôi đã chơi với nó, tôi thường leo lên cây để chơi, chỉ cần một cành cây bị ốm yếu cho quả nhỏ hơn tôi cũng biết. Có lúc tôi đã lên cây ăn quả của nó thay cơm, cây nào ngon dở, có vị thế nào tôi đều biết và biết rất kỹ. Ăn mức độ nào tốt cho ruột và ăn bao nhiêu mà không bị phiền toái tôi cũng biết. Thậm chí tôi còn có thể nhận biết qua võ, màu sắc, nhìn vào ổi tôi biết được ngon hay không, vị thế nào. Vú sữa hay bơ cũng vậy tôi có thể nhận biết được vú sữa nào ngọt, chín vừa đủ, bơ nào là bơ ngon, độ sáp của từng loại, hay bơ nào là bơ nước, nước mức độ nào, nó có sơ không.
Nhìn ba mẹ vất vả cả ngày đi làm về chưa kịp thay bộ đồ thì đã chạy ngay vào nhà lo cho heo ăn, trồng mì, bắp, thế mà vẫn không dư dả. Tôi suy nghĩ đến việc làm gì đó để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Một buổi chiều, tôi lấy hết can đảm nói với ba mẹ: Ba mẹ hãy cho con vườn trái cây đằng sau vườn nhà mình, con sẽ bán để có thêm thu nhập, kiếm thêm tiền phụ ba mẹ.
Tất nhiên ba tôi đồng ý ngay. Ánh mắt ba sáng lên niềm vui, hạnh phúc như thầm cảm nhận được đứa con gái ngoan của ba biết suy nghĩ.
Nhưng cũng trong ánh mắt đó, tôi cảm nhận ba có thể đã nghĩ: Chắc là tôi không bán được đâu, nhà ai cũng có trái cây, nếu nhà nào không có họ có thể qua nhà khác xin, đôi lúc mình hái cho người ta người ta còn chê thì làm sao mà bán được. Nhà ai cũng có vườn rộng, có hoa quả, người ta thường đổi cho nhau, biếu cho nhau chứ ít bán.
Nhưng tôi lại nghĩ khác ba, vì có nhiều nhà có loại trái cây này nhưng không có trái cây kia, có mít nhưng không có bơ, có bơ lại không có mít,. . . hay là có khi có mít nhưng mít nhà họ lại không ngon. . . Tôi tin tôi sẽ bán được vì đầu tiên là những loại hoa quả, trái cây nhà tôi rất ngon, tôi hiểu rất rõ từng loại, tôi không những hiểu mà là bạn thân của những cái cây đó, tôi biết vào thời điểm nào có loại nào, nó có ngon không, vào lúc nào hái thì ngon nhất.
“Tin vào khả năng của chính bản thân, tin vào sản phẩm mình bán, tin vào sự nhận biết hay hiểu biết về sản phẩm đó, tin vào khả năng tiếp nhận bán hàng bằng sự tìm hiểu, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm của người đi trước,. . . Đó là yếu tố đầu tiên quyết định cho thành công nhỏ” – Nguyễn Thị Mỹ Hiệp
Để bán được, tôi cần quan sát người mua hàng muốn gì để khi tôi đi bán, tôi sẽ rút kinh nghiệm mà bán được. Tôi muốn học xem những cô bán hàng ngoài chợ đã bán thế nào?. Tôi cần phải học và quan sát để rút kinh nghiệm.
Thế rồi tôi đã quyết định đi ra chợ quan sát, chợ ở gần nhà, tôi thức dậy từ sớm và đi quan sát những người bán hàng ngoài chợ. Tôi đã phát hiện ra có nhiều KH đã đến phàn nàn với họ tại sao hôm qua mít không ngon, mà chị lại nói ngon, rồi KH phàn nàn nói: “Ngày hôm qua tôi mua vú sữa về ăn nhạt quá, vậy mà chị bán lại cứ bảo là Vú Sữa rất ngọt em mua đi”.
Ngày xưa, trái cây quê Tôi bán rất rẻ, vì thế nếu ai bán mít thường bán nguyên quả, mua là mua nguyên cả quả, điều này sẽ làm khó nhận biết. Thường khi hái hoặc mua họ sẽ mua khi mít vừa chín tới, để mai mốt còn ăn được. Điều đó dể gây nhầm lẫn khó phân biệt giữa mít ướt, mít ráo, hay ngon và không ngon.
Quan sát thêm thì tôi lại thấy dù ngày đó cô bán hàng ấy mua ổi ngon hay không cô ấy cũng không quan tâm, cô ấy luôn bán cùng một giá cho nhiều loại khác nhau. Cô ấy không quan tâm đến cảm giác của người mua hàng. Ngày thứ hai quan sát, tôi còn thấy cô mua hàng hôm qua đã cố đi đường khác để không chạm mặt cô bán hàng dữ tợn, cô ấy đã không nói đúng lại còn mắng KH khi người ta hỏi. . . Hàng chục câu chuyện chỉ trong vài ngày quan sát.
Tôi đã bắt đầu chạy về nhà suy nghĩ và định hình cho mình cách bán. Chắc chắn tôi sẽ không như những người bán hàng kia, tôi sẽ luôn vui vẻ, tôi sẽ nói cho họ biết trước vị của từng loại của cây mà tôi hái hôm đó, tôi bắt đầu hái thúng ổi đầu tiên. Đó là cây ổi ngon nhất của nhà tôi, nó to sừng sững trước nhà, nó khá nổi tiếng vì vị ngon trong vô số cây ổi vùng đó, nó gắn liền với tôi từ khi tôi sinh ra, tôi có thể trèo lên và hái những quả đủ độ chín, độ ngon một cách không có 1% sai sót. Thậm chí nếu có một đến hai trận mưa tôi sẽ chờ trời bừng nắng để bớt đi độ nhạt của những cơn mưa và được thêm vào vị thanh ngọt, bởi khi có ánh nắng làm nó đậm đà hơn, nếu quả nào bị sâu, tôi cũng sẽ biết cái đó sâu ăn đến độ nào,….
Tôi ngồi ở một vị trí mà không làm ảnh hưởng tới những người bán hàng kia, tôi sợ họ la tôi, tôi sợ họ nói tôi chiếm chỗ của họ. Tuy nhiên, khi đặt thúng ổi xuống tôi nghĩ đến việc đi dạo quanh để mời người mua. Tôi đã vui vẻ, tự tin nói thật to: “Cô ơi, chú ơi hãy mua ổi đi, cô chú có thể qua đây ăn thử, nếu ngon thì mới mua, con cắt ra để cô chú ăn thử đây, nó rất ngon, con đảm bảo từng quả ổi này đều giống nhau vì con đã chọn, nếu mua về không ngon như ăn thử cô chú cứ mang trả con, con chắc chắn là con sẽ không nói ngon nếu nó thực sự không ngon”. Và thế rồi trong vòng 2h đồng hồ tôi đã bán hết sạch sẽ.
“Quan sát và rút ra bài học kinh nghiệm để không vấp phải những sai lầm của người khác, đó chính là Tôi đã rút ngắn thời gian cho việc đạt mục tiêu nhỏ” – Nguyễn Thị Mỹ Hiệp
Cầm trên tay những đồng tiền đầu tiên, sự vui mừng, hạnh phúc lan tỏa trong tôi, cảm giác này có lẽ là thật khó quên, ước ao được ăn chè, ăn kem thực hiện được rồi. Tôi đã để cẩn thận tiền và mang về cho ba mẹ, Trước đó tôi đã nói với ba nếu tôi bán được hãy cho con một ít, tôi không quên trích ra một ít rồi ghé vào mua ngay mấy bịch chè mà tôi ao ước được ăn để về cho em và chị. Khi về đến nhà, cả nhà, nhất là ba mẹ tôi đã vô cùng ngưỡng mộ tôi, ba tôi khen và nhìn tôi bằng ánh mắt đầy yêu thương.
Tôi đã kiếm được tiền, có lẽ lúc đó nó rất quan trọng và có ý nghĩa với gia đình. Từ đó tôi bắt đầu đi bán mỗi khi rảnh, tôi bán theo mùa trái cây mà nhà tôi có. Có thời gian không đủ trái cây để bán, tôi bắt đầu nghĩ, tôi phải đi mua thêm ở những vùng sung quanh hay vào trong làng mua mang ra để bán. Tuy nhỏ tuổi nhưng tôi bán rất chạy hàng, người ta gọi là bán mát tay hay đắt hàng,
Tôi trở thành một người có tiếng nói trong nhà, bởi tôi kiếm được kha khá, tôi quyết định việc đi chợ, quyết định hôm nay cho gia đình ăn món gì, tôi luôn được ba mẹ khen và nói chị hai hãy học tôi, đôi lúc ba mẹ còn khó chịu với chị hai vì nói chị vừa lười vừa chẳng lanh lẹ. Chị hai cũng buồn nhưng dần quen với những câu nói đó, Chắc chị hai cũng chấp nhận sự thật là tôi quá siêng năng, sạch sẽ và lại kiếm ra tiền giúp ba mẹ. Cậu em Hoàng của tôi thấy tôi như vậy đôi lúc theo chị ra chợ phụ bán để được cho mua thứ gì đó hoặc cho ít tiền để lên trường ăn hàng.
Càng lớn, và khi thời gian cứ trôi qua, tôi càng nhận ra tại sao tôi lại bán đắt hàng, có lẽ bán hàng chúng ta phải vui vẻ, chân thật, trung thực, am hiểu sản phẩm mình bán. Câu hỏi đặt ra vậy vị trí ngồi bán có quan trọng không? khi mà tôi còn quá nhỏ, tôi không có một vị trí đẹp để ngồi bán mà chỉ với sự chân thành, trung thực hiểu rõ về các loại trái cây mà tôi đã trở nên bán hơn người khác một chút.
Có lần một chị khách hàng nói với tôi, “Chị thích mua của em, vì em chân thật, chị không mua của những người kia vì họ không nói thật, hôm nọ họ bán cho chị bơ nước mà nói bơ sáp làm chị mang về nhà gia đình chị la, mọi người đã nói với chị là chị là người phụ nữ đi chợ vụng về, rồi nói chị vứt những quả bơ đó đi”.
Nghe chị nói tôi càng nhận ra rằng tại sao họ không bán như tôi, hay là họ bị mua đắt, do ban đầu là trái cây nhà tôi vì thế giá cả không quan trọng, nhưng khi tôi bắt đầu đi mua lại để bán thì tôi lại cẩn thận vô cùng, tôi luôn ăn thử để hiểu, để cảm nhận nó rồi mới mua. Mà nếu ngon tôi chấp nhận mua giá cao hơn, và sẽ bán giá cao hơn, nếu trái cây đó không ngon tôi sẽ nói rõ nó có vị như thế nào, khác loại kia cái gì, và tôi sẽ bán rẽ hơn vì mua cũng rẻ hơn.
Tôi bắt đầu hiểu ra sự chân thành, trung thực, đạo đức trong kinh doanh là vô cũng quan trọng.
“Có lẽ bán hàng chúng ta phải vui vẻ, chân thật, trung thực, am hiểu sản phẩm mình bán” – Nguyễn Thị Mỹ Hiệp
Tôi còn nhớ câu chuyện lúc này tôi tầm 13 tuổi, tôi bắt đầu kinh doanh nhiều hơn. Vào mùa hè khi được nghỉ học, tôi vào làng mua bơ của nhiều gia đình sau đó mang về để 1-2 ngày chín rồi mang ra chợ bán dần, những quả chín tôi bán trước, ngày đó bơ chín rất nhiều tôi không thể bưng hết được, đành mượn xe đạp của ba chở hai thúng bơ đi ra chợ bán. Cô bán hàng ngoài chợ chỉ nhìn thấy tôi đã như ăn tươi nuốt sống, cô không hài lòng vì tôi bán đắt hàng còn cô thì không ai hỏi mua. Tôi đã sợ ánh mắt đó và tìm một vị trí để xe xa xa, dựng xong xe tôi và cô bạn bưng hai sọt bơ đặt xuống, đang bưng thì cô ấy cố tình đi ngang qua và đẩy để tôi bị té cùng sọt bơ. Bơ đã bị đổ ra, vì chín nên khi đổ xuống nó đã bị dẹp, có quả thì bị phọt hết ra phần đầu của quả.
Suốt 3 tháng hè buôn bán thì phần bơ hôm nay quyết định phần lời của tôi, tôi đã lấy lại đủ vốn, giờ bán hôm nay coi như là phần lời của tôi, tôi sẽ có hết phần tiền hôm nay, nó là khoản tiền mà tôi kiếm được trong hai tháng hè năm đó. Thế mà giờ đây nó bị thế này không lẽ tôi mất hết tiền lời mà công sức tôi làm hơn hai tháng qua.
Tôi bỗng dưng khóc nức nở, người bạn thân của tôi là Thư đi cùng tôi, cô ấy nói thôi về đi, kệ mà đừng khóc nữa, chúng tôi nhỏ chả nói được lời nào, mọi người đi ngang qua thấy tôi thật tội nghiệp, có người thấy thương bèn nói đưa chị mua cho một ít. Tôi đã nói với cô bạn, Thư về đi, Hiệp bán hết những quả không móp rồi về, Hiệp sẽ chở đi bán dọc đường. Và thế là tôi đã chọn con đường Hùng Vương, con đường mà ở quê tôi ai có nhà ở đó là những người giàu có. Khi những quả còn nguyên bán hết, còn lại những quả hơi móp, hơi bị xì ra thì cũng là những quả khách hàng có thể nhìn và thử nó có độ béo thế nào, tôi đã đi dọc theo con đường, vừa đi tôi vừa mời các cô chú, anh chị. Đây là bơ rất ngon nhưng vì nó bị đổ xuống nên nó bị như vậy, em sẽ bán rẻ hơn, em tin là Anh chị sẽ tiết kiệm được tiền mà vẫn có bơ ngon để ăn. Anh chị chỉ cần cắt bỏ phần đầu thì vẫn nguyên vậy, nhưng giá thành rẻ hơn nhiều.
May sao, có một cô dừng lại hỏi sao mắt con lại sưng và như đang khóc vậy, tôi nói với cô là con ngồi bán ở chợ mà bị cô kia hất đổ bơ của con nên nó bị móp thế này. Cô ấy nói tôi, con hãy cân hết đi cô mua hết cho, bơ ngon phải không con? Tôi nói bơ ngon lắm cô, nó chỉ bị móp chút thôi, rồi cô cười và lấy tiền ra trả cho tôi để mua hết những kg bơ còn lại. Lúc này tôi ra về với một sự ấm áp, với lời nói cảm ơn đã nói không đủ để thể hiện sự sâu sắc mà tôi thầm cảm ơn sự thánh thiện của cô ấy, tôi cầu cho cô ấy luôn gặp may mắn, cô ấy thật dể thương và tốt bụng.
Tôi bắt đầu nhận ra khách hàng mua hàng vì họ yêu quý bạn. Ngay sau khi cô bán hàng kia hất đổ bơ của tôi có rất nhiều người đã đến mua ủng hộ tôi khi nhìn thấy cảnh ấy. Họ không nói với người bán hàng kia bởi họ sợ rắc rối, hoặc sợ cô ấy chửi, nhưng họ hình như không thích người bán hàng ấy, và họ không bao giờ qua đó mua hàng.
“Khách hàng mua hàng vì họ yêu quý bạn” – Nguyễn Thị Mỹ Hiệp
QUYẾT ĐỊNH XIN VIỆC TẠI CÔNG TY BẢO HIỂM HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM.
Nhớ lại những ký ức tuổi thơ giúp tôi nhận ra mình không chỉ có duyên với nghề bán hàng mà còn thu hoạch được một số bài học vỡ lòng về cách làm sao để bán được hàng.
Tôi bắt đầu nghĩ mình có thể làm bất cứ viêc gì miễn là tốt đẹp, miễn là nếu mình làm tốt sẽ được ghi nhận. Rồi tôi nhận ra những yếu tố của con người tôi: Tôi siêng năng, kiên trì, vui vẻ, năng động, tôi sẽ chịu khó học hỏi để làm công việc nào đó được giao tốt nhất. Tôi cũng nhận ra có lẽ người ta cần đủ giỏi để trở thành một người tạo ra phần mềm, đủ giỏi nghề để làm nên một cái bánh ngon mà tôi mua ăn, đủ năng khiếu, niềm đam mê để tạo nên một tác phẩm đẹp mà ai cũng muốn sở hữu nó. Nhưng khi người ta tạo ra nhiều, làm ra nhiều bánh ngon, hay nhiều tác phẩm đẹp,. . . có lẽ người ta cũng sẽ cần một người bán được nó. Dù tôi không sản xuất nhưng đủ cảm nhận nó tốt đến đâu, thì tôi có thể bán được nó. Tôi hiểu:
“Một sản phẩm tốt đến đâu, đẹp đến đâu, giá trị đến đâu nó cũng sẽ không thành công khi không ai dùng tới, nó chỉ có giá trị, định được giá trị khi nó được bán ra”- Nguyễn Thị Mỹ Hiệp
Tôi hiểu mình cần có một nơi tốt, một công ty, tập đoàn tốt để cho mình phát triển. Tôi vào và tìm hiểu về tập đoàn, về tầm vóc, kinh nghiệm cái mà tôi cần lúc này là tôi sẽ chọn nơi có kinh nghiệm, bởi cách mà bạn học nhanh nhất là học kinh nghiệm của những người thành công. Tôi tin rằng lúc đó Prudential đã có hơn 168 năm kinh nghiệm họ sẽ chỉ cho tôi cách làm, họ sẽ cho tôi được học kinh nghiệm của những người thành Công. Tôi tin tập đoàn sẽ là nơi tôi học hỏi và mở mang được tầm nhìn. Tôi tìm hiểu rất kỹ khi đi phỏng vấn, có lẽ một may mắn nữa là tôi đã thực tập ở tập đoàn 6 tháng. 6 tháng chưa đủ để tôi lĩnh hội và cảm nhận về một tập đoàn lớn như Prudential. Tập Đoàn hoạt động và phát triển bền vững như thế nào? Đó là điều mà tôi phải khám phá. Nhưng 6 tháng đủ để tôi nhận định đây là nơi tôi muốn được làm việc và phát triển ở đây. Giờ thì chúng ta thuận lợi hơn nhiều bởi mạng, bởi công nghệ,. . . cho chúng ta dể dàng hơn việc tiếp cận thông tin, kiểm chứng thông tin để chọn nơi mình làm việc và gắn bó cả đời.
Việc hiểu bản thân, năng khiếu, đam mê, sở trường, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là chưa đủ cho sự Thành Công khi lựa chọn Công Việc;
Sự nhận biết đúng sai khi lựa chọn Sản Phẩm mà mình yêu thích phải có những nguyên tắc cơ bản là phải có giá trị thật, là sản phẩm đủ tốt với giá thành mà người tiêu dùng bỏ ra để có nó.
Việc lựa chọn người dẫn dắt, người học hỏi, hay chọn Công Ty, Tập Đoàn là vô cùng quan trọng, có giá trị đạo đức, trung thực, minh bạch, phát triển bền vững – Nguyễn Thị Mỹ Hiệp